Bắc cầu yêu thương cùng chuyến khảo sát Dự án cộng đồng tại Điện Biên
Nội dung bài viết
Trong tháng 3 vừa qua, Ban Giám hiệu trường PennSchool cùng đại diện Phụ huynh và các thành viên trong Hội đồng học sinh đã có chuyến hành trình lan tỏa yêu thương đến với những người dân tộc H’Mông tại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Văn Thiên Ý lớp VAP-10A là một trong hai học sinh đại diện cộng đồng PennSchool tham gia chuyến đi khảo sát tới Điện Biên lần này. Với em, hành trình đến với mỗi điểm trường và đến với người dân nơi đây mang đến nhiều giá trị và cảm nhận riêng.
Cảm xúc đầu tiên của cô gái Sài Gòn lần đầu đến với vùng Tây Bắc xa xôi chính là những gian nan và không khí lạnh đặc trưng tại vùng đất này. Nhưng vẻ đẹp hoang sơ tại nơi đây đã khiến các em nhận ra rằng những khó khăn đó hoàn toàn xứng đáng.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất – TPHCM, chúng em bay ra Hà Nội rồi đến Điện Biên. Ấn tượng ban đầu của em khi đặt chân đến nơi đây là khí hậu se se lạnh, cái lạnh của Tây Bắc. Có lẽ vì vậy mà đồ ăn nơi đây hơi nguội, nhưng không thể làm mờ đi hương vị đặc biệt của các loại rau, thảo mộc của Tây Bắc. Sau khi ăn xong cả đoàn lại tiếp tục di chuyển đến Huyện Mường Nhé, nơi đây sẽ là nơi diễn ra hoạt động từ thiện vào hôm sau. Chuyến đi kéo dài 5 tiếng, băng ra rất nhiều ngọn đồi và những khúc cua khúc khuỷu. Đoạn đường đi vào rất đẹp, ngồi trên xe có thể chiêm ngưỡng núi đồi trập trùng đẹp như tranh, những ruộng bậc thang lúa chín vàng óng trải dài khắp các bản làng, thung lũng và cuộc sống của người dân vùng cao vẫn còn chút gì đó hoang sơ nhưng thật bình yên, êm ả, cứ như từ trong sách chữ hiện lên. Huyện Mường Nhé đón chúng em bằng cái lạnh 15 độ và một bữa ăn thật nóng và siêu ngon. Sau khi ăn xong cả đoàn di chuyển về nhà nghỉ để dưỡng sức cho hôm sau.
Chuyến khảo sát bắt đầu cùng hành trình đến với các điểm trường của xã Na Cô Sa. Tại đây, Thiên Ý đã có những cảm nhận riêng về cuộc sống của các em học sinh tại mỗi điểm trường.
“Vào ngày thứ 2, cả đoàn phải dậy từ rất sớm để có thể kịp lịch trình, tuy vậy cả đoàn vẫn rất năng lượng và luôn giữ tinh thần vui vẻ. Buổi sáng hôm đó còn lạnh hơn hôm trước, chỉ khoảng 13 độ, bù lại, chúng em được thưởng thức bát phở bò nóng hổi ăn kèm với ớt Tây Bắc. Sau khi ăn sáng, cả đoạn đã di chuyển đến “ Trường PTDTBT THCS Na Cô Sa”. Tại nơi đây chúng em đã lắng nghe ban giám hiệu trường cũng như các thầy cô tại Na Cô Sa đã có trao đổi về những gì còn thiếu và tiến hành hỗ trợ. Sau đó em cùng cả đoàn lại tiếp tục di chuyển đến “Điểm trường Na Cô Sa 3”. Con đường đến trường rất dốc, đối với những người chưa quen như em đã phải bỏ ra một lượng lớn sức để hoàn thành. Dọc hai bên đường lên trường là những ngôi nhà được dựng bằng gỗ và lợp bằng mái tôn và có phần hơi thiếu kiên cố của người dân tộc H’mông. Em chợt thấy rất thương các bạn nhỏ, dù trời lạnh, dù đường khó, các bạn mỗi ngày vẫn hoàn thành 2 lần con đường này để đến với thầy cô, bạn bè và lớp học. Ngôi trường Na Cô Sa 3 này là ngôi trường mầm non, ngôi trường tuy nhỏ và thô sơ nhưng vẫn được trang trí với đầy đủ hoạ tiết và sắc màu để các em nhỏ không cảm thấy nhàm chán khi đến trường. Các lớp học được dựng từ những miếng gỗ và mái tôn, giữa các miếng gỗ có những khe hở rất to vì vậy sương, mưa, gió rất dễ lùa vào làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn nhỏ. Tuy lớp học thô sơ nhưng các bạn nhỏ vẫn rất hạnh phúc và hào hứng được đến trường. Các em rất ngoan ngoãn và lễ phép, mỗi em đều mang những nét dễ thương rất riêng cùng với hai má hồng nhè nhẹ mang đậm nét trẻ em Tây Bắc. Sau khi giao lưu xong em cùng đoàn phát những phần quà nhỏ, sau đó chơi những trò chơi nhỏ rồi cùng nhau tạm biệt và di chuyển đến điểm tiếp theo.
Chuyến đi cũng tạo cơ hội cho đoàn tham gia buổi giao lưu và phát quà từ thiện tại Giáo Họ Huổi Thủng, nơi đoàn có cơ hội được nói chuyện và sẻ chia yêu thương với những người dân tộc H’mông sống tại đây.
Địa điểm tiếp theo là “Giáo Họ Huổi Thủng”, nơi đây sẽ là nơi chúng em cùng với các ban giám hiệu nhà trường và Cha sẽ phát những phần quà từ thiện đến tay người dân H’mông. Theo em được biết từ trẻ em đến người lớn mọi người đã ăn mặc rất đẹp và tới từ rất sớm để nhận những phần quà này. Bản thân em cũng thấy rất vui và xúc động khi nhận được những nụ cười từ em nhỏ, những lời cảm ơn từ các cô chú, những cái nắm tay đến từ các cụ bà khi em trao đi những phần quà. Sau khi trao quà em và đoàn đã được mời ăn một bữa rất ngon, theo em được biết để có một bữa đầy đủ thịt, rau, cơm để chúng em ăn người dân đã phải đi rất xa để mua vì thường ngày người dân nơi đây chỉ ăn cơm cùng các loại rau, măng có sẵn ở địa phương. Sau khi dùng bữa em cùng đoàn nói lời tạm biệt Giáo họ và di chuyển lại về Điện Biên, lại là chuyến đi kéo dài 5 tiếng băng qua các ngọn đèo khúc khuỷu. Vào đêm thứ 2 chúng em được nghỉ ngơi tại khách sạn và ăn một bữa tối rất ngon. Sau đó lại về phòng nghỉ ngơi và sẵn sàng cho ngày cuối cùng.”
Chuyến đi kết thúc với trải nghiệm khám phá vùng đất oai hùng Điện Biên tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyến đi cũng mang đến vô vàn cảm xúc mà có lẽ Thiên Ý sẽ khó có cơ hội cảm nhận nếu chưa tham gia chuyến đi này.
Buổi sáng ngày cuối cùng chúng em đến thăm “Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ” để xem lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc qua tư liệu, tranh vẽ, đồ vật như vỏ bom, vỏ đạn. Chúng em được thấy hình ảnh của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến, được nghe về những câu chuyện chiến lược của nước ta. Sau đó điều bất ngờ hơn hết em được chiêm ngưỡng bức tranh Panorama, là một trong những tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh, tái hiện toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi đường nét đều rất chi tiết, không những vậy âm thanh và không khí nơi đây khiến bản thân em cảm thấy hùng tráng, kỳ vĩ và đầy tự hào. Tiếp theo, đoàn di chuyển đến “khu di tích lịch sử đồi A1”. Tại đây em đã được trải nghiệm đi vào những căn hầm, thấy những ngôi mộ của những chiến sĩ đã hy sinh, tận mắt nhìn thấy “Hố bộc phá”, một trong những yếu tố rất lớn góp phần dẫn đến thành công trong trận chiến. Tuy đường đi lên rất dốc nhưng có những cụ ông, cụ bà vẫn đi trong sự vui vẻ, năng lượng và lòng yêu nước. Sau khi rời đồi A1 cũng là lúc chúng em quay về lại Hồ Chí Minh và tạm biệt Điện Biên.
Chuyến đi tuy đã kết thúc nhưng những ấn tượng sâu sắc về con người, cảnh trí, món ăn vẫn luôn lắng đọng trong em. Hạnh phúc, thương cảm, ngỡ ngàng là những cảm xúc của em trong chuyến đi này. Em hạnh phúc là vì em được tham gia chuyến đi này, được học hỏi, được trao quà, được kết bạn và điều quan trọng nhất là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp Tây Bắc. Em thương cảm là vì trẻ em vùng cao có cuộc sống khó khăn vất vả, thiếu thốn từ cái ăn cái mặc đến chỗ vui chơi và học hành. Những em bé lớn thì phải lên rẫy phụ cha mẹ, còn các em nhỏ hơn thì ở nhà. Tuy cuộc sống với bao nhọc nhằn nhưng trên gương mặt các em bé vùng cao luôn rạng ngời niềm vui với ánh mắt thơ ngây trong sáng. Còn em ngỡ ngàng là vì những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ tại Tây Bắc và còn cả bức tranh Panorama. Em cảm ơn các thầy cô đã cho em cơ hội tham gia chuyến đi quý giá này.
“Sống là để cho đi. Các hoạt động cộng đồng và xã hội sẽ luôn là một bước đệm vững chãi cho chúng em phát triển nhân cách.”
Đây không chỉ là quan niệm sống mà Văn Thiên Ý, học sinh lớp VAP-10A chia sẻ sau chuyến đi, mà đó cũng là thông điệp mà cộng đồng PennSchool muốn lan tỏa thông qua các dự án cộng đồng trong năm học.